Năm nào cũng vậy, cứ còn khoảng 15 ngày nữa “chạm” Tết Nguyên đán, má đều gọi điện dò hỏi năm nay đứa con trai – là tôi – cần bao nhiêu bánh tét tro nếp đắng để cúng ông bà, tổ tiên và làm quà tặng bạn bè.
Mấy chục năm qua, từ thuở nhà tranh – phên đất, đến giờ là nhà ngói – tường gạch, má vẫn lo cái Tết có “bánh tét tro nếp đắng” như thế.
Với má, Tết mà không có loại bánh này là không phải Tết. Và điều đó đã trở thành nét văn hóa đặc trưng ngày Tết của gia đình, để lại trong tôi một “bầu trời kỷ niệm”.
Má tôi bên nồi bánh tét tro nếp đắng trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.
Dù không phải sơn hào hải vị, nhưng với tôi bánh tét tro nếp đắng là loại ẩm thực tinh hoa, sang trọng theo cách của nó. Sang trọng, vì nó chứa đựng những giọt mồ hôi và nước mắt của người nông dân thực thụ, là biểu tượng cao quý của tinh thần lao động, “quả ngọt” của sự gian truân. Hơn hết là ở đó, tôi thấy hình ảnh người cha, người mẹ hiện lên quá đẹp.
Ngày còn bé, ba thường dẫn tôi lên rừng để chặt từng cành lá kén. Ba chỉ cho tôi những khu vực lá kén đẹp hay mọc và nhắc con mình hãy để ý, để Tết năm sau “ba con ta lại tiếp tục”.
Lá kén đem về đốt thành tro, rồi lọc nước, loại bỏ cặn bã. Nước tro phải “đạt” đến một độ trong nhất định, mới cho nếp đắng vào ngâm. Ngâm đến khi nước tro “ăn” vào hạt nếp đắng, rồi tiếp tục vớt nếp ra và gói bằng lá chuối buộc chặt bằng sợi nứa (hoặc sợi bẹ chuối).
Nhiều lần cầm chiếc bánh gói dở trên tay, má ngủ ngon lành. Bào mòn sức lực của má nhất vẫn là công đoạn nấu bánh. Nồi to, củi to, lửa lớn cả ngày lẫn đêm. Hôm nào nấu bánh, y như rằng đêm đó má thức trắng với đôi mắt cay xè vì “chan” khói củi và nước mắt.
Có lúc, không chợp mắt được, tôi thức dậy vẫn thấy má lọ mọ bên nồi bánh tét tro. Lúc này, đồng hồ đã chỉ… 3 giờ sáng.
Nhìn đôi mắt má đỏ ngầu, ngấn lệ vì khói củi, tôi không cầm được nước mắt. Có lẽ, trong khoảnh khắc đó không cần một lời giải thích nào, ai cũng hiểu, giọt nước mắt của bà khác giọt nước mắt của tôi về hoàn cảnh. Đó là hai thái cực nhưng lại có phần đăng đối và rất liên quan đến nhau. Một bên là sự cơ cực của người mẹ tảo tần và bên kia là xúc cảm trước sự cơ cực ấy của người con.
Nếu người làm con như tôi cảm thấy xót xa và có lỗi thì người làm mẹ như bà lại cảm thấy “vui như Tết” vì nồi bánh tét tro nếp đắng sắp sửa hoàn thành. Điều đó mang đến cho tôi ý niệm rằng, nồi bánh tét tro nếp đắng của má là trách nhiệm với ông bà, tổ tiên và thương con. Có lẽ vì thế mà không lúc nào, tôi thấy má than thở.
Nhiều lúc thấy má cực quá, tôi khuyên nhủ hay thôi, ngày Tết má chỉ cần làm vài món đơn sơ, ra chợ mua ít hoa quả về cúng kiếng ông bà là được rồi, bà liền khua tay: “Bậy!”. Dù chỉ là một chữ thôi nhưng mỗi lần má cất lên, lại chứa đựng “nội hàm rất rộng”.
Nồi bánh tét tro nếp đắng trở thành nét văn hóa đặc trưng của gia đình tôi.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất gian khó, rồi sống bằng nghề nông giữa năm tháng “mưa bom bão đạn”, má không có điều kiện học hành. Đến mức má không nhớ được mình chào đời vào ngày tháng nào mà chỉ nhớ năm sinh. Trong hoàn cảnh ấy, từ nhỏ đến lớn, tôi không học ở bà chữ nghĩa mà học ở má bằng những hành động cụ thể và thực tế. Nồi bánh tét tro nếp đắng có lẽ là một trong những hành động sinh động nhất. Nó ăn sâu vào tiềm thức, giúp những người con nơi chân lấm tay bùn xây dựng ý thức hệ, hình thành nên cốt cách, đức hạnh.
Chữ “bậy” của má ở đây còn mang ý nghĩa xa hơn. Đó là bánh tét tro nếp đắng – tinh hoa ngày Tết không chỉ có ông bà, cha mẹ mình sản sinh, nâng niu theo thời gian mà thế hệ con cháu cần có trách nhiệm gìn giữ, tôn quý. Để những cái Tết cổ xưa, đậm chất văn hóa của một vùng đất sẽ không bị lùi về quá khứ, trong sự hoài niệm xót xa.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)