Ngày 29-11, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công cho bé trai sơ sinh có khối bướu bạch huyết khổng lồ.
Theo bác sĩ Huỳnh Kim Quỳnh, Khoa Phẫu thuật Hồi sức sơ sinh – Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé trai này sau khi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng thở oxy kèm khối bướu khổng lồ vùng mặt, cổ, ngực. Khối bướu to chèn ép cổ, đường thở khiến cột sống bé vẹo sang một bên…
Sau khi sinh, bé trai nặng 4kg với khối bướu khổng lồ ngay cổ. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Qua siêu âm, bé trai này được phát hiện có khối bướu khi còn trong bụng mẹ lúc gần 25 tuần. Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã kết hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 cùng hội chẩn, kiểm tra. Đến khi thai 36,5 tuần, khối bướu ngày càng to dần nên bác sĩ đã chấm dứt thai kỳ. Ngay sau khi Bệnh viện Từ Dũ mổ lấy thai, các bác sĩ Nhi Đồng 1 lập tức đặt ống thở do khối bướu khổng lồ chèn ép đường thở bé. Sau sinh 3 giờ, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Khối bướu to chèn ép cổ, đường thở khiến cột sống bé vẹo sang một bên. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
“Kết quả xét nghiệm ghi nhận khối bướu của bé là dị dạng bạch huyết và có biến chứng xuất huyết trong bướu. 3 ngày sau, khối bướu tiếp tục phát triển to khiến bệnh nhi suy hô hấp tăng dần nên chúng tôi quyết định mổ” – bác sĩ Quỳnh nói.
Sau 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy hết bướu bao bọc bó mạch. Khối bướu sau khi được cắt ra, bé trai từ cân nặng 4kg còn 2,9kg, riêng khối bướu nặng 1,1kg.
Bé trai sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối bướu. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
“Ca phẫu thuật khó khăn vì chỉ cần tổn thương khối bướu sẽ khiến bé có thể tử vong trên bàn mổ vì chảy máu. May mắn, ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Sau 10 ngày mổ, bé vẫn đang được điều trị tích cực; vết mổ khô, không tụ dịch” – bác sĩ Quỳnh cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu, cố vấn ngoại khoa – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết đây là bướu thường gặp, nằm ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể. Sau 30 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên ông gặp trường hợp có khối bướu bạch huyết khổng lồ như vậy.
“Khối bướu ăn lên sàng miệng, phổi, khí quản, bao bọc mạch máu ở vùng cổ nên quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Sau này, bé sẽ được dùng thêm thuốc để ngưng bướu tái phát. Về lâu dài, nếu bé đáp ứng khối bướu xơ hóa cũng sẽ không cần dùng thuốc” – bác sĩ Hiếu phân tích.
Theo bác sĩ Hiếu, do khối bướu chèn ép, đẩy cổ và cột sống vẹo sang 1 bên nên bé sẽ được tập vật lý trị liệu. Trước mắt, bé sẽ được sẽ kê gối cho cổ thẳng; sau xuất viện sẽ được tầm soát tái khám để tránh bướu tái phát.
Bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu cho biết từ năm 2019, các bác sĩ sản và nhi đã kết hợp nhằm kịp thời hỗ trợ trẻ có khối bướu nguy kịch sau sinh, tránh trường hợp hủy thai.
“Trước đó, các bác sĩ sản ghi nhận trường hợp trẻ có bướu sau khi sinh sẽ chèn ép đường thở khiến tử vong. Đây là nỗi ám ảnh của bác sĩ sản. Tuy nhiên, từ khi kết hợp sản – nhi, các bé được siêu âm, chẩn đoán từ trong bụng mẹ nên sau sinh tất cả đều được hỗ trợ thành công. Sau 3 năm, khoảng 7 trường hợp đã được cứu sống” – bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)