Trang chủ Công nghệ In 3D phổ biến, tiện ích

In 3D phổ biến, tiện ích

bởi Linh

Thời điểm cuối năm 2022, công nghệ in nổi 3 chiều (3D) đã phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày khi thị trường xuất hiện nhiều dòng máy in 3D gia dụng giá bình dân. In 3D là một trong những thành phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tạo nhanh các vật dụng thay thế

Trước đây, kỹ thuật in 3D chỉ phù hợp để tạo mẫu nhanh, sản xuất các nguyên mẫu chức năng hoặc thẩm mỹ. Từ năm 2019, in 3D phát triển rất nhanh chóng, được sử dụng đa dạng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống, từ việc sản xuất kinh doanh cho tới phục vụ sở thích cá nhân.

Hai năm trở lại đây, công nghệ in 3D có khả năng tạo ra các hình dạng hoặc hình học rất phức tạp mà không thể chế tạo bằng tay, bao gồm các bộ phận rỗng hoặc các bộ phận có cấu trúc giàn bên trong để giảm trọng lượng. Độ chính xác, độ lặp lại và phạm vi vật liệu của in 3D đã được phát triển đến mức một số quy trình in 3D được coi là khả thi như một công nghệ sản xuất công nghiệp. Theo bạn Anh Phú – một thành viên của nhóm Miniatures Minerva – chuyên sơn các mẫu mô hình, các mẫu vật thu nhỏ (miniature) trong game và các sản phẩm in 3D, so với trước đây, in 3D hiện rất phổ biến và tiện ích, người có nhu cầu in chỉ cần gửi các mẫu vật qua mạng hay email, cơ sở dịch vụ dùng phần mềm chuyên dụng tạo bản in 3D để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện có nhiều ứng dụng phần mềm tạo mẫu 3D miễn phí và dễ dùng. Chi phí in 3D thường được tính trên trọng lượng nhựa sử dụng. Người chơi mô hình thu nhỏ trước đây thường phải đặt mua mô hình từ nước ngoài giá khá cao, nay có thể đặt dịch vụ in 3D trong nước. Đặc biệt là khi những thành phần của mô hình xảy ra sự cố bị thất lạc hay hư gãy, người chơi có thể đặt in 3D thay thế.

In 3D phổ biến, tiện ích - Ảnh 1.

Một số mẫu tại một buổi triển lãm về công cụ in 3D cho cộng đồng tổ chức tại TP HCM cuối tháng 11

Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, trên thế giới và tại Việt Nam rộ lên phong trào nhiều nhóm, nhiều doanh nghiệp đã in 3D móc tai giả bằng nhựa giúp các nhân viên y tế không bị đau tai, hằn vết trên mặt khi phải đeo khẩu trang liên tục. Từ ý tưởng của một học sinh Canada, sinh viên nhiều trường đại học tại TP HCM đã lắp ráp máy in 3D, viết phần mềm, điều chỉnh thiết kế, in 3D phụ kiện bảo vệ tai để tặng các y, bác sĩ nhiều bệnh viện.

Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm thành công việc in 3D những dụng cụ, bộ phận thay thế… trên trạm quỹ đạo để phục vụ cho các chuyến du hành vũ trụ. Khi cần có một bộ phận thay thế cho thiết bị hay chính trạm quỹ đạo, thay vì phải chờ tới chuyến gửi hàng từ trái đất, trung tâm điều khiển chuyến bay chỉ cần truyền qua sóng viễn thông bản vẽ 3D của bộ phận đó để các nhà du hành vũ trụ trên trạm hay tàu vũ trụ dùng máy in 3D tự in. Đặc biệt, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đã tiến hành ở phòng thí nghiệm Columbus trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) thử nghiệm in 3D mô sinh học với kỳ vọng trong tương lai có thể giúp sản xuất các bộ phận cơ thể người trong vũ trụ.

Ngành y khoa đã ứng dụng in 3D phục vụ cho công việc chữa trị người bệnh. Công nghệ in 3D này cực kỳ hữu dụng để đáp ứng các yêu cầu “đo ni đóng giày” cho từng người bệnh, nhất là trong nha khoa. Các nhà khoa học đang thử nghiệm in 3D những bộ phận cơ thể con người bằng tế bào gốc của chính người bệnh để phục vụ cho các chỉ định ghép tạng mà nếu thành công thì những người có chỉ định ghép tạng không phải chờ đợi tạng hiến tặng.

Giá thiết bị ngang smartphone trung cấp

Công nghệ in 3D, đặc biệt là với phương pháp in bằng nhựa lỏng resin SLA, cho ra các thành phẩm có độ phân giải cao và láng mịn, rất hữu dụng trong việc in khuôn mẫu và các vật có nhiều chi tiết nhỏ.

Tại một hội thảo, triển lãm về công cụ in 3D cho cộng đồng tổ chức tại TP HCM cuối tháng 11 vừa qua, ông KAL, Giám đốc điều hành Công ty W.E 3D, cho biết ứng dụng 3D hiện rất đa dạng và phong phú với “mực” in bằng bột gỗ, bột kim loại… có thể in 3D ra các món đồ gỗ, kim loại mà phương pháp tiện hay đúc truyền thống không làm được. Ngoài ra, có thể ứng dụng in 3D để chế tạo các món đồ vật cần thiết, ngay cả các công cụ, chế tạo đồ chơi, vật dụng trong nhà. Công nghệ in 3D cũng hỗ trợ nhà trường và phụ huynh tự làm ra các vật dụng học tập và các món đồ chơi cho học sinh. Theo ông KAL, Việt Nam đã có một số nơi sản xuất máy in và nhựa in theo công nghệ FDM, người dùng có thể dễ dàng mua một máy in 3D và nhựa in để về in. Giá thiết bị in cũng rất bình dân, một máy in 3D sử dụng tại nhà tương đương chiếc smartphone loại trung cấp, khoảng 7 triệu đồng, một kg nhựa in chỉ khoảng 300.000 đồng.

In 3D cũng được ứng dụng trong việc sản xuất những loại thịt cá phục vụ ẩm thực cho con người. Từ “mực in” là bột thực vật, có thể in ra những miếng thịt bò, những đùi gà… có hương vị và các đặc tính giống như thịt động vật. 

Lo về bản quyền bị sao chép

Công nghệ in 3D được giới chuyên môn đánh giá sẽ là công cụ số tạo ra những bước ngoặt cho ngành sản xuất trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Thị trường tiêu thụ máy in 3D đã phát triển rất nhiều trong vài năm qua. Theo Credit Suisse, mức tăng trưởng năm 2013 là 100% so với năm 2012. Công ty Dịch vụ tư vấn, nghiên cứu và phân tích thị trường Townsend Solutions công bố giá trị thị trường in 3D toàn cầu đạt 5 tỉ USD trong năm 2015, mức tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2010 – 2015 là 31,35%, dự báo năm 2020 tăng khoảng 20 tỉ USD. Tuy nhiên, công nghệ in 3D phát triển cũng đồng thời phát sinh những lo ngại về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ vì ai cũng có thể in được các bản sao chép.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm