Lòng chợt bâng khuâng thương về món xôi gấc quê nhà. Nhiều ngày rằm tháng giêng, nhiều Tết đã đi qua, món xôi gấc chẳng thể nào thiếu trong ngày rằm, ngày Tết vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.
Nhà tôi ngày đó cũng có một giàn gấc trên lối đi, tôi chẳng biết được trồng từ bao giờ, chỉ thấy gốc nó to như cái chão xoắn lại nằm ở góc vườn. Kỳ lạ là loài cây này chả cần phải chăm bón gì nhiều mà cứ xanh tốt bời bời. Mùa hoa nở trắng ngà trên giàn, thu hút bướm ong. Chẳng ai để ý đến, bỗng một ngày thấy những quả gấc nhỏ xinh thả mình treo lơ lửng. Những quả màu xanh non, xanh đậm rồi chín hồng, đỏ rực như một giàn đèn trang trí ngày Tết. Cứ nhìn thấy gấc chín là thấy Tết đang về. Mẹ bảo gấc là thứ quả bổ dưỡng, giàu vitamin, là quà tặng của đất trời dành cho con người.
Mùi Tết của tôi (Ảnh minh họa từ Internet)
Năm nào cũng vậy, món đồ cúng ngày Tết quê tôi không thể thiếu xôi gấc. Bà bảo màu đỏ của đĩa xôi còn có ý nghĩa mang lại may mắn, điềm tốt lành đến cho cả một năm mới nên ai nấy cũng chuẩn bị làm xôi gấc cúng giao thừa. Gạo nếp ngon, mẹ ngâm nước mưa từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau thì vo sạch, để ráo nước. Mẹ bổ đôi quả gấc ra, gạt lấy những hạt gấc bên trong đỏ thắm. Mẹ dùng dao nhỏ hoặc thìa cạo hết phần thịt gấc để dùng nấu xôi. Mẹ rót một chung rượu ngon nhỏ rưới vào phần thịt gấc rồi bóp nhuyễn, thêm chút muối, chút nước cốt dừa trộn đều, bóp nhẹ với gạo nếp căng mọng trên giá để gạo ngấm đều màu và tránh cho gạo bị vỡ. Xong xuôi, mẹ đổ gạo vào chõ rồi đồ xôi.
Tôi để ý thấy mẹ không để rạ, rơm cháy to quá hoặc bé quá. Mẹ bảo nếu lửa to sẽ nhanh cạn nước, xôi sẽ bị cháy. Lửa nhỏ, xôi sẽ không chín đều, không ngon. Hương thơm của gạo nếp, của gấc, của nước cốt dừa thơm quyện vào nhau khắp căn bếp nhỏ. Cứ tưởng vậy là đã xong một nồi xôi nhưng không, mẹ dỡ xôi ra, để nguội, trộn thêm ít đường vào xôi rồi đồ lại. Khi gần bắc ra, mẹ rưới thêm một ít mỡ gà lên xôi rồi đảo đều. Đó gọi là xôi hai lửa.
Nhanh tay dập lửa, mẹ lấy khuôn đồ xôi lúc xôi còn nóng hôi hổi. Những đĩa xôi đỏ tươi được bà bày trên mâm trông thật đẹp mắt. Những hạt gạo mọng trắng ngần giờ đã được mặc áo đỏ căng mọng, thơm phức nằm ngoan trong những chiếc đĩa xinh xinh. Còn thừa một ít phần đáy chõ dính vỉ, bà cho chúng tôi ngồi nhặt (vỉ được đan bằng nan tre hoặc giang để lót dưới đáy chõ cho khỏi lọt gạo xuống nồi đáy). Giữa cơn đói, được ăn miếng xôi gấc bé xíu, ai cũng thấy ngon, miệng mấy chị em đỏ tươi như vừa thoa một lớp son trông thật đẹp.
Năm nào cũng vậy, đêm 30, tiếng chuông chùa thong thả ngân nga nơi cuối xóm cũng là lúc bà và mẹ sắp lễ bày cúng giao thừa. Bên cạnh mâm ngũ quả, con gà thì đĩa xôi gấc là nổi bật nhất, như bông hoa năm cánh đỏ tươi.
Sau giao thừa, cả nhà quây quần quanh mâm. Bữa đó là bữa ăn ngon nhất trong năm của gia đình tôi. Mẹ chẳng ăn gì, cứ ngồi gắp cho các con, thấy các con vui, mẹ cũng cười tươi, nụ cười của mẹ lúc đó rạng rỡ, đẹp nhất trong năm mà tôi từng thấy.
Bà giờ đã về với thế giới người hiền nhưng mỗi khoảnh khắc giao thừa đến, mỗi rằm tháng giêng, lòng tôi lại cồn cào lên nỗi nhớ bà. Nhớ ánh mắt hiền từ, dịu dàng của bà. Năm nào cũng vậy, nhớ đến truyền thống đón Tết của gia đình, tôi vẫn chọn mua những quả gấc nếp như lời mẹ dạy và chọn gạo nếp ngon để làm xôi gấc. Chẳng thể nào làm xôi ngon bằng mẹ nhưng Tết đến, tôi vẫn nhớ làm. Mùi xôi gấc dậy lên từ căn bếp nhỏ quyện vào hương mùi già, mùi nhang, trầm thành một thứ mùi đặc trưng khó có thể gọi tên, tôi gọi đó là mùi Tết. Mùi hương đó đánh thức trong tôi nỗi nhớ về những người muôn năm cũ, nhớ về Tết xưa với đầy đủ gia đình quây quần ấm áp đêm giao thừa. Tết nào cũng vậy, hoặc rằm tháng giêng có một món xôi gấc đỏ thắm, ngon, đẹp và bổ dưỡng của quê hương sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)