Chẳng có gì phải lăn tăn bởi ngô và khoai vốn là thức ăn quen thuộc của người Việt, cả hai cùng “dính chùm” với nhau, thí dụ ca dao có câu: “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Cây ngô đó trong Nam gọi là cây bắp; không những thế, người ngoài Bắc còn “nâng tầm” cây ngô thành lúa/ lúa ngô, có thể tìm thấy dấu vết qua câu tục ngữ “Ông mãnh lúa ngô, bà cô đậu nành”. Còn có thể nói thêm, chúng ta có nhiều loại củ cũng được dùng từ khoai, chẳng hạn: sắn/ khoai mì, củ nâu/ khoai long, dong riềng/ khoai riềng, củ từ/ khoai từ…
Suy luận này, cứ cho là “chuẩn cơm mẹ nấu” nhưng xin thưa một khi nói làm “Ra ngô ra khoai” là làm cho ra nhẽ, minh bạch, rõ ràng, không úp úp mở mở, không nhập nhằng, lẫn lộn, làm đâu ra đó. Do đó, cả hai sự vật/ sự việc ấy phải có nhiều nét tương đồng mà thoáng nhìn qua, nếu không quan sát chu đáo thì dễ dẫn đến sự nhầm lẫn.
Vậy, xin hỏi ngô và khoai có gì tương đồng về hình dáng, màu sắc? Hoàn toàn không. Nếu cho cả hai thứ nhập vào chung, bất kỳ ai cũng có thể phân biệt rõ ràng. Suy ra câu “Ra ngô ra khoai” không hợp lý, nếu nói đúng lý phải là “Ra môn ra khoai”. Vâng, ít ra ta cũng thấy giữa củ môn/ khoai môn và củ khoai/ khoai lang cùng có nhiều nét na ná nhau, khó phân biệt là phải rồi.
Thật ra khoai ở đây không phải là… củ khoai đã xuất hiện trong câu ca dao vừa nêu; hoặc trong câu “Đói thì ăn đỗ ăn khoai/ Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng” là “thuộc họ bìm bìm” như GS Đỗ Tất Lợi cho biết trong tập sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”. Mà, “Ra môn ra khoai” thì cần phân biệt đâu là khoai môn, đâu là khoai sọ tức cả hai thuộc “cây lấy củ họ ráy (Araceae), theo “Từ điển bách khoa nông nghiệp”. Do cùng loại nên mới càng khó phân biệt là chỗ đó, nếu chúng lẫn lộn vào nhau.
Như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để loại ngô ra khỏi ngữ cảnh này. Tương tự “Ra môn ra khoai” còn có cách nói như “Ra tấm ra miếng/ Ra món ra mớ”. Tuy nhiên, với từ “ra miếng” của dân làng võ thì cần hiểu qua nghĩa: “Ra thế, múa men theo điệu nghề võ và đứng thủ cho quân địch phá thế: Ra miếng Đồng Tử bái Quan Âm” – “Việt Nam tự điển” (1970) giải thích.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)